Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2010

Không tiêm nữa đâu!

Chuyện đội mũ bảo hiểm với tớ cũng đau đầu phết, vì nhà tớ chả ai chịu đội. Thấy tớ nói nhiều, lúc tớ ở nhà, nếu mọi người không đi bằng ô-tô thì sẽ lôi xe đạp ra đi để tránh đội mũ bảo hiểm. Mọi người bảo với tớ rằng đi xe đạp có ngã cũng không nặng như đi xe máy, nên không cần đội mũ bảo hiểm! Thôi thì lạy trời, chứ đi trên đường thì biết thế nào! Người lớn đi xe đạp càng phải đội mũ bảo hiểm, vì người trên 30 tuổi, xương bắt đầu loãng, não bắt đầu teo, nhưng thể tích cái hộp sọ không bé lại làm cho một cũ ngã nhẹ cũng gây sang chấn lớn. 

Vì thế, nhìn thấy quảng cáo mũ bảo hiểm rùm beng của một hãng mũ bảo hiểm ví mũ bảo hiểm với vắc xin làm tớ thấy bực mình. Ở đây không nói đến thông tin cho thấy ở nước ngoài các bậc cha mẹ rất do dự khi phải tiêm vắc xin cho con cái do chưa có nghiên cứu nào trong thời gian đủ dài để khẳng định là vắc xin không gây ra một nguy hại nào trong suốt đời người hoặc không ảnh hưởng tới các thế hệ con cháu sau này, dù tác dụng phòng các bệnh truyền nhiễm ngay trước mắt là không thể chối cãi, thì tớ thấy có nhiều lý do để có thể nói rằng không thể ví mũ bảo hiểm là vắc xin: 

1. Định nghĩa: Theo định nghĩa của vắc xin thì mũ bảo hiểm không thể là một vắc xin. Vắc xin (vaccine) có thể hiểu là những chất ngoại lai từ bên ngoài được đưa vào cơ thể để kích thích hệ miễn dịch cơ thể sinh ra các yếu tố kháng lại bệnh tật lâu dài. Mũ bảo hiểm chỉ được dùng bên ngoài. Nên gọi chính xác mũ bảo hiểm là một loại dụng cụ bảo vệ, tương tự như giày bảo vệ chân, găng tay bảo vệ tay! Hay cụ thể hơn, cho dù bao cao su có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh lây qua đường tình dục 95%, người ta cũng không thể gọi bao cao su là vắc xin, mà vẫn đang miệt mài ngày đêm nghiên cứu tìm vắc xin thực sự! 

2. Cách dùng: Về cách dùng càng không thể gọi mũ bảo hiểm là vắc xin. Vắc xin được coi là phương thức phòng bệnh được ưa chuộng vì dễ sử dụng, hiệu quả dài lâu. Tùy vào từng loại vắc xin cụ thể, thông thường một liều vắc xin gồm 1 – 3 lần tiêm hoặc uống, và sau khoảng 5 – 10 năm mới phải tiêm hay uống lại một lần nữa. Không có loại vắc xin nào phải tiêm hàng ngày, hay tiêm một ngày nhiều lần. Trong khi đó, mũ bảo hiểm cần phải được đội trong bất cứ tình huống nào người sử dụng ngồi trên xe đạy hay xe máy. Ngay đứa trẻ con cũng biết tiêm vắc xin là đau, bố mẹ không thể sáng sáng bảo với con là “con tự tiêm liều vắc xin phòng chống thương tích đi” hoặc “ra đấy để bố tiêm vắc xin cho con”. 

3. Tác dụng: Mũ bảo hiểm không có tính bảo vệ thương vong như vắc xin bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật. Vắc xin bảo vệ cơ thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh đến 90% hoặc hơn ngay cả khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Không thể phủ nhận mũ bảo hiểm có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ tử vong, và chấn thương sọ não ở người đi xe máy. Nguy cơ tử vong ở người đội mũ bảo hiểm giảm khoảng 40% so nguy cơ tử vong với người không đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, thương tích do đi xe máy còn phụ thuộc đến nhiều vấn đề khác như tốc độ đi xe máy, lái xe cẩn thận hay không, có uống rượu và chất kích thích khi điều khiển xe không, chất lượng của đường xá như thế nào, việc thực thi luật giao thông ra sao. Có những nghiên cứu cho thấy do tin tưởng vào có mũ bảo hiểm làm cho nhiều lái xe bất cẩn hơn, và do đó, mũ bảo hiểm không làm giảm tỷ lệ thương vong. 

4. Hình ảnh quảng cáo: Hình ảnh nhiều mũ bảo hiểm trong một ống tiêm trái ngược với khuyến cáo hiện nay là phải dùng bơm kim tiêm sử dụng một lần. Trong một thời điểm nhất định, một người chỉ đội một mũ bảo hiểm. Nhiều mũ bảo hiểm trong một bơm tiêm có thể ám chỉ việc có thể dùng một bơm kim tiêm cho nhiều người. Chưa kể, hình ảnh chiếc kim tiêm to và sáng loáng sẽ gợi cảm giác đau đớn cho bất cứ ai khi nhìn thấy. 

5. Khẩu hiệu quảng cáo: “Một mũ bảo hiểm. Một cuộc sống” là câu khẩu hiệu khó hiểu. Mũ bảo hiểm có thể giúp làm giảm nguy cơ thương vong, nhưng không có nghĩa là một mũ bảo hiểm tương ứng với một cuộc đời. Câu khẩu hiệu đó chỉ đúng trong trường hợp chiếc mũ bảo hiểm vỡ và người đội mũ chết! Thực tế, một đời người cần phải có nhiều mũ bảo hiểm. Sau mỗi lần va chạm mạnh, nếu vẫn còn sống, cần phải thay mũ bảo hiểm. Lý do là khi va chạm, chất liệu của mũ bảo hiểm bị nén lại, và làm giảm khả năng bảo vệ trong những lần va đập tiếp theo, dù bằng mắt thường không nhìn thấy bề ngoài của mũ biến dạng. Chất liệu làm mũ cũng bị biến hóa theo thời gian. Nếu không hỏng hóc gì, sau 5-7 năm cũng nên thay mũ bảo hiểm mới. 

Tóm lại, tớ nghĩ việc ví mũ bảo hiểm là một loại vắc xin là biểu hiện của sự thiếu hiểu biết và phản khoa học hoặc cố ý đánh lừa người tiêu dùng, và làm tớ từ giờ lại mất thêm công để thuyết phục bọn trẻ con là mũ bảo hiểm không phải là vắc xin, đội mũ bảo hiểm không đau và không gây sốt đâu! 

Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2010

Không phải tai xanh!

Hôm nay tớ đọc được một tin ở đây  mô tả một nguời ở Quảng Ngãi mắc bệnh lợn tai xanh có đoạn này: 

"Health workers said the virus of PRRS has a particular affinity for the macrophages particularly those found in the lung. Macrophages are part of the body defenses. Those present in the lung are called alveolar macrophages. They ingest and remove invading bacteria and viruses but not in the case of the PRRS virus. Instead, the virus multiplies inside them producing more viruses and kills the macrophages. Once it has entered a herd the virus tends to remain present and active indefinitely. The fatality rate is at 7%, thus, it can do harm if patients are not timely hospitalized".

Tớ bảo ôi, tiếng Anh mượt thế, thế mà có lúc tớ cứ bảo là vịt-lấm-lét toàn tin vịt. Nhưng mà đọc lại, tớ mới thấy thủ này hình như giống thủ, xôi này hình như giống xôi, hỏi gúc gờ, tìm ra luôn chỗ này

"The virus of PRRS has a particular affinity for the macrophages particularly those found in the lung. Macrophages are part of the body defences. Those present in the lung are called alveolar macrophages. They ingest and remove invading bacteria and viruses but not in the case of the PRRS virus. Instead, the virus multiplies inside them producing more virus and kills the macrophages. Once it has entered a herd it tends to remain present and active indefinitely."

Với các bạn chưa quen PRRS là gì thì PRRS là bệnh lợn tai xanh. Đoạn tiếng anh trên là mô tả cơ chế gây bệnh của vi rút PRRS khi ở trong phổi lợn

Các bạn thấy 2 đoạn văn khác gì nhau không? Nói chung tớ không làm về bản quyền, cũng chưa viết báo bao giờ, chả biết quy định của báo mạng về chuyện trích dẫn thế nào. Mà việc trích dẫn thì cũng chả ảnh hưởng gì, mình phải tận dụng sự phát triển của khoa học thế giới chứ. Nhưng mà các bạn thấy câu cuối cùng của đoạn trích đầu tiên không?  Đại ý câu ấy có nghĩa là "tỷ lệ tử vong là 7 % nếu bệnh nhân không được nhập viện kịp thời". Không thể tìm thấy câu tiếng anh ấy ở đâu, cuối cùng tớ thấy nguồn gốc thông tin này ở đây, trong bài nói về bệnh liên cầu ở người! 

Các bạn hỏi thế thì sao phải quan tâm, người ta nói thế để mình mắc bệnh thì phải đi bệnh viện kịp thời còn gì! Vấn đề ở đây là ở trên thế giới chưa bao giờ phát hiện người bị bệnh tai xanh các bạn ạ.  Nguyên văn bản tin của Vịt-lấm-lét bảo có 1 người ở Quảng Ngãi chết do bệnh tai xanh, mô tả cơ chế rõ ràng thế, lại có cả tỷ lệ chết nữa, tức là phải có nhiều người mắc bệnh tai xanh rồi, những ai chữ nghĩa lỗ mỗ như tớ là hoảng hốt nghĩ ngay đến vi rút biến đổi gen lây bệnh cho người giống kiểu cúm gà! 

Sau khi có bác tiến sĩ viện trưởng bảo ăn thịt lợn tai xanh sẽ mắc bệnh liên cầu lợn (bệnh liên cầu lợn có triệu chứng là nôn, sốt, viêm não, xuất huyết da, hoại tử da, kinh lắm í), dân chúng đã sợ lắm rồi. Giờ ăn lợn tai xanh mắc luôn bệnh tai xanh nữa. Lợn chết gần hết rồi, giờ lan sang đến người nữa, làm sao mà chặn được, vi rút gây bệnh tai xanh tự bay trong không khí được 3km cơ, thế thì chả mấy chốc Hà Nội vắng ngắt, tớ cứ hình dung lúc đấy nổi lềnh bềnh như lợn ở hồ Gươm,  hay tắc như quân của tôn sĩ nghị ở sông Hồng , eo, chả dám nghĩ nữa! 

Thôi, chả nói chuyện đấy nữa, tớ sợ, chắc các bạn cũng sợ. Khẳng định lại với các bạn: Bệnh tai xanh là bệnh tai xanh. Bệnh liên cầu là bệnh liên cầu. Không có bệnh tai xanh thì vẫn có bệnh liên cầu. Phải nói thêm là báo chí thường nói là ăn thịt lợn bị ốm mới bị liên cầu, trong thực tế thông thường liên cầu vẫn có ở lợn, mà lợn không có triệu chứng ốm đau gì đâu. Bệnh lợn tai xanh hiện giờ vẫn đang là độc quyền của lợn. Người ở Quảng Ngãi kia nghi là bị nhiễm liên cầuNgoài liên cầu ra, theo tớ còn những nguyên nhân gây bệnh khác có thể nghĩ đến là bệnh nhân này bị nhiễm cùng lúc xoắn khuẩn lép-tô và thương hàn hoặc phó thương hàn

Cách phòng bệnh là không nên ăn thịt lợn chưa được kiểm dịch, chưa nấu chín kỹ. Khi tiếp xúc với lợn phải có quần áo bảo hộ lao động. 

Nói thì dễ chứ cũng chả biết mua thịt lợn không bị bệnh ở đâu. Chắc phải nhờ bác Nguyễn Lân Dũng hỏi Quốc hội với Chính phủ luôn chỗ mua thịt, chứ chỗ mua rau quả an toàn thôi chưa đủ. 

Tớ nghĩ việc đưa tin người chết vì bệnh tai xanh là một việc làm thiếu hiểu biết, mong cho các bạn bạn đưa tin đấy bị kiểm điểm nhẹ nhẹ như có lần mấy bạn nào đấy bảo ăn bưởi bị ung thư.  

Thứ Tư, 26 tháng 5, 2010

Thôi thì thả bóng lên trời!

Tuần trước có hội nghị nghiên cứu tự kỷ quốc tế 2010. Có nhiều nghiên cứu, đồng nghĩa với nhiều kết quả được công bố. Nhưng chưa có nghiên cứu nào được gọi là đột phá, hay làm thỏa lòng mong đợi của cha mẹ có trẻ tự kỷ vì chưa tìm thấy thuốc chữa, và ngày càng nhiều yếu tố được kể đến như là nguyên nhân có thể gây tự kỷ.


Để đánh giá tổng quan một vấn đề hoặc phân tích chi tiết một nghiên cứu cụ thể nào đó cần thời gian, và trình độ, mà tớ thì thiếu cả 2. Tạm kể ở đây một vài kết quả nghiên cứu về tự kỷ vừa được công bố, và được truyền thông quan tâm: 

1. Thuốc điều trị vô sinh có thể liên quan đến tự kỷ

2. Di cư có thể là một nguyên nhân gây ra tự kỷ. Lúc đầu, người ta cho rằng cha mẹ da màu (người Á, và người Phi) có nguy cơ có con tự kỷ cao hơn. Nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ trẻ tự kỷ chỉ cao lên khi người da màu di cư đến các nước khác. Các nhà nghiên cứu cho rằng cuộc sống căng thẳng khi di cư có thể là nguyên nhân của tự kỷ.

3. Chụp cắt lớp não có thể chẩn đoán sớm tự kỷ.

4. Giáo dục hành vi không làm giảm triệu chứng của tự kỷ, nhưng cải thiện được sự tương tác giữa cha mẹ và con tự kỷ. 

5. Chế độ ăn kiêng casein và gluten không ảnh hưởng đến hành vi của trẻ tự kỷ. Đã nói về nghiên cứu này trong một entry trước. Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên về gluten và tự kỷ. Các nghiên cứu trước đây hầu hết đều cho thấy gluten không ảnh hưởng đến tự kỷ. Nghiên cứu lần này đặc biệt hơn, vì là một thử nghiệm lâm sàng có đối chứng, và áp dụng phương pháp "mù đôi". Mô tả nôm na là trẻ tự kỷ được chia nhiều nhóm khác nhau, nhóm được ăn gluten, nhóm không. Những người chăm sóc và đánh giá hành vi không biết trẻ nào được ăn gluten, trẻ nào không, bởi vậy những đánh giá về hành vi của họ được coi là khách quan hơn. 

6. Phát hiện một loại thuốc mới có thể cải thiện các triệu chứng của bệnh tự kỷ. 

7. Trẻ tự kỷ không làm tăng tỷ lệ ly hôn của cha mẹ. Mặc dù có nhiều gia đình than phiền về việc mất công chăm sóc trẻ tự kỷ, làm các cặp vợ chồng thiếu quan tâm đến nhau, và tỷ lệ ly hôn nhiều hơn, nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ ly hôn ở các cặp có con tự kỷ và các cặp có con không tự kỷ là như nhau. 

Còn vô cùng nhiều nghiên cứu khác nữa, ai quan tâm, xin mời vào đây tải kỷ yếu các công trình nghiên cứu được công bố tại hội nghị nghiên cứu tự kỷ quốc tế 2010. Tập kỷ yếu nặng 5,5MB, dày 788 trang! 

Hôm thứ 2, 24/5/2010 Ủy ban Y tế của Anh đã rút giấy phép hành nghề của bác sĩ Andrew Wakefield, người đầu tiên công bố nghiên cứu vắc xin phòng Sởi - Quai bị - Rubella là nguyên nhân gây tự kỷ trên tạp chí danh tiếng Lancet. Nghiên cứu này đã làm cho ngành công nghiệp vắc xin bị sụt giảm và không thể nào hồi phục lại được dù có nhiều nghiên cứu sau đó cho thấy không có sự liên quan nào giữa vắc xin và tự kỷ. Nhiều nhà hoạt động vì bệnh tự kỷ cho rằng đây là sự trả đũa của ngành công nghiệp vắc xin với Andrew. Andrew thề sẽ tiếp tục nghiên cứu sự ảnh hưởng của vắc xin đến bệnh tự kỷ và sức khỏe của những trẻ em được tiêm vắc xin nói chung. Tớ đã từng bình luận về vấn đề này một lần ở những entry đầu tiên, chưa có đủ kiến thức bình luận thêm!

Tạm thế đã. Không ủng hộ thả bóng thì cũng chả biết làm gì. Thôi thì thả bóng lên trời! 

Phần thưởng cho nhà ngoại cảm



Ông già ở Mỹ tên là Randi này sẽ trao thưởng 1 triệu đô la Mỹ cho nhà ngoại cảm nào chứng minh được mình có khả năng siêu nhiên thực sự, mà không nhà ngoại cảm nào thèm. Ở Việt Nam, bác Nguyễn Phúc Giác Hải và trung tâm nghiên cứu của bác ấy khẳng định ngoại cảm với siêu nhiên là có thực. Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã giúp tìm bao nhiêu mộ liệt sĩ rồi. Có bạn nào mà biết địa chỉ bác Nguyễn Phúc Giác Hải, hay nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, hay cô đồng nào các bạn biết thì báo cho họ liên hệ với ông Randi nhé (đừng liên lạc với tớ). Chắc các nhà ngoại cảm với cô đồng chả quan tâm đến tiền đâu, các bạn cố gắng thuyết phục họ cứ lấy đi, thứ nhất là để ông già Mỹ kia và cả thế giới phải tin ngoại cảm là có thật, thứ hai là có 1 triệu đô làm từ thiện.

Thứ Ba, 25 tháng 5, 2010

Dở hơi, không biết bơi!

A. Truyện ngụ ngôn (sưu tầm và rút gọn lại)
Bữa nọ, nhà bác học phải qua một con sông rộng bằng chiếc thuyền tam bản. Thấy anh lái đò vừa chèo vừa nghêu ngao hát, ông  hỏi: Anh cũng biết văn nghệ nữa à? Anh lái đò lễ phép: Thưa ông tôi chỉ có biết chèo đò, đâu có biết văn nghệ là cái gì? Nhà bác học nói: Văn nghệ mà anh không biết thì anh chết nửa đời người rồi. À mà anh có biết chính trị là gì không? Dạ, không biết! Thế thì anh chết nửa đời người nữa rồi. Trời bỗng thình lình nổi gió, nước sông cuộn sóng ầm ầm, mà thuyền mới lênh đênh ra giữa sông. Anh lái đò sợ một mình chèo không kịp bến, muốn nhờ nhà bác học giúp đỡ một tay cho mau chóng thoát hiểm, nên hỏi: Dạ thưa ông biết chèo không ạ? Nhà bác học la:Hứ, cái anh này, chèo, tôi đâu có biết! Anh lái đò vừa chống chọi với phong ba, vừa cười bảo: Dạ, thì hôm nay ông chết nửa đời người rồi đấy! Sóng ngày càng to, nước ào ạt tràn vào, biết không thể nào tránh khỏi bị đắm giữa sông sâu, sóng cả, anh lái đò hốt hoảng hỏi: Thưa ông, ông biết bơi không ạ! Nhà bác học tái xanh mặt mày lại: Tôi không biết bơi, lạy anh, anh cứu tôi, không thì tôi nguy mất! Anh lái đò nhìn nhà bác học đáp: Bơi mà không biết thì hôm nay ông chết cả đời người, còn gì?

B. Truyện thật 
Dạo này anh em, bác cháu hơi bất hòa. Sắp nghỉ hè, bảo đi học bơi, lớn bảo bận, trẻ bảo bể bẩn không đi. Ở tây, người ta khuyến cáo cha mẹ nên cho con cái đi học bơi từ khi tròn 1 tuổi ( Nếu chậm tinh thần và thể chất thì để muộn hơn) dù họ không phải dùng xe lội nước chở khách ở thủ đô bao giờ. Ở mình, mùa mưa 2 năm trước, bác sĩ còn chết đuối giữa đường. Bây giờ, người ta mua tàu thuyền chuẩn bị cho đại lễ, mình không lo mà đi học bơi, có phải dở hơi không.  Cứ nghĩ là mình hiểu biết, nói người khác sẽ nghe, hoặc có nhận thức rồi, sẽ thực hành ngay được. Thật chả có gì dễ! 

C.  Tất nhiên, không phải cứ biết bơi là không chết đuối. Tránh chết đuối (và một số tai nạn khác), nhiều điều khác phải dạy cho trẻ và cả người lớn: không đi vào những nơi nguy hiểm, biết cách gọi người giúp đỡ khi cần thiết, sử dụng phao cứu sinh đạt tiêu chuẩn .... Một kỹ năng cần thiết, các ông bố và mẹ nên biết:  
Hô hấp nhân tạo (Hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực - tiếng tây là CPR) cho  trẻ 1 - 8 tuổi: 
1. Kiểm tra đáp ứng. Lắc hoặc vỗ nhẹ vào đứa trẻ. Kiểm tra xem trẻ có cử động hoặc hoặc đáp ứng gì không. Gọi to "Có sao không?"
2. Nếu trẻ không có phản ứng, kêu cứu ngay .Nhờ ai đó gọi cấp cứu và đi lấy một máy rung tim tự động bên ngoài (AED) nếu có. Không được để đứa trẻ nằm một mình để gọi cấp cứu hoặc lấy AED cho đến khi bạn đã thực hiện CPR khoảng 2 phút.
3. Cẩn thận đặt đứa trẻ nằm ngửa .Nếu trẻ có nguy cơ bị chấn thương cột sống, nên có hai người di chuyển đứa trẻ để ngăn chặn việc đầu và cổ bị xoắn.





4. Làm thông đường hô hấp. Nâng cằm đứa trẻ lên bằng một tay. Đồng thời, dùng tay kia ấn nhẹ xuống trán (hình trên).
5. Hãy nhìn, lắng nghe, và cảm giác về hơi thở.Để tai của bạn sát miệng và mũi của trẻ. Theo dõi cử động lồng ngực. Cảm nhận hơi thở của trẻ bằng má của bạn (hình trên)


6. Nếu không thấy trẻ tự thở:
· Dùng miệng của bạn ngậm chặt miệng của trẻ.
· Bịt kín mũi trẻ.
· Nâng cằm và giữ đầu của trẻ hơi ngửa ra (hình trên).
· Thổi 2 lần liên tiếp. Mỗi lần thổi khoảng một giây, và nếu thổi đúng thì phải thấy ngực trẻ phồng lên.
7. Thực hiện ép ngực:
· Đặt một gan bàn tay lên xương ức - ngay dưới núm vú. Không được để gan bàn tay xuống tận phía cuối của xương ức.
·  Đặt bàn tay kia của bạn trên trán của trẻ, giữ cho đầu hơi ngửa ra (hình trên).
·  Ấn lồng ngực của đứa trẻ để nó nén khoảng 1 / 3 đến 1 / 2 chiều cao của ngực.
·  Ép ngực 30 lần. Sau mỗi lần ép, hãy để ngực phồng lên hoàn toàn. Ép ngực NHANH, dứt khoát, và liên tục. Vừa ép vừa đếm nhanh từ 1 đến 30: "1,2,3,4,5,6,7,8,9,10,11,12,13,14,15,16,17,18,19,20,21,22 , 23,24,25,26,27,28,29,30, dừng "
8. Thổi ngạt hai lần nữa. Thấy lồng ngực trẻ căng lên là thổi đúng.
9. Tiếp tục CPR (Ép ngực 30 lần, sau đó thổi ngạt 2 lần, sau đó lặp lại) trong khoảng 2 phút.
10. Sau khi đã thực hiện CPR khoảng 2 phút, nếu đứa trẻ vẫn không có hơi thở bình thường, ho, hoặc cử động gì, nếu bạn đang một mình cũng cứ để đứa trẻ nằm đó để gọi người cấp cứu hoặc 115 ngay.  Nếu có AED cho trẻ em, sử dụng ngay.
11. Tiếp tục bước 9 cho đến khi trẻ hồi phục hay người trợ giúp đến.
Nếu đứa trẻ bắt đầu tự thở được, để trẻ năm nghỉ. Theo dõi nhịp thở của trẻ cho đến khi người giúp đỡ đến.

Dịch: Gúc gờ. Hiệu đính: NCQ

Chú ý: Nếu không có người dậy làm CPR chuyên nghiệp, có thể tự tập ở nhà. Dễ, nhưng không tập, lúc chả may cần cũng không thể làm được.

Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2010

Cô gái Hà Lan vô tội!

Nài nỉ mãi, cũng có người nói thích blog của tớ, viết entry này coi như tiết mục "Thanh Hạnh với người hâm mộ"! ( hôm nay dù áo không vương son, thì cũng biết sẽ bị tra hỏi kiểu gì rồi!). Nhiệt tình như danh hài mới vào vai phó giám đốc kênh truyền hình về thông tin y tế, nhỉ? 

Hôm nay có một bài mới trên blog của Bác sĩ Gupta về việc gluten trong thức ăn không thay đổi hành vi ở trẻ tự kỷ. Mình rất thắc mắc số người được nghiên cứu rất nhỏ, có 14 trẻ, lại được chia ra làm mấy nhóm, thì kết quả nghiên cứu có thể khái quát hóa lên được không. Chắc Bác sĩ Gupta cũng phải có lý gì đó khi giới thiệu cái nghiên cứu này, danh tiếng CNN chắc phải được bảo vệ hơn bộ phận tiếng Việt của một đài abc nào đó chứ! Trong bài cũng nói sắp có hội nghị về nghiên cứu tự kỷ. Hy vọng là hội nghị có những kết quả nghiên cứu tích cực hơn mang lại niềm hy vọng cho những ai đang còn hy vọng. 

Điều quan trọng nhất trong bài này, theo tớ, là lời khuyên của ông chủ tịch IMFAR: các bậc phụ huynh phải cân nhắc kỹ, đừng chạy theo những thông tin chưa được kiểm chứng. 

Thôi, tớ không nói linh tinh nữa, nói nhiều lòi cái đuôi "đỗ thị bích" ra, tớ nguyện làm "trần ngọc thơ", nhờ các bạn gúc gờ dịch, rổi chấm phẩy lại tý, đưa lên đây. Tớ nêu rõ đây là nguồn gốc thông tin là từ blog của Bác sĩ Gupta nhé, đừng ai ném đá gì, vì xin lỗi "em chỉ là ...giảo sư", không phải giáo sư mà cũng chả thuộc giáo phường hay giáo hội nào.

(chú ý là có mấy cái tính từ và động từ trong ngoặc kép ở trên, các bạn chưa hiểu thì lại gúc gờ nhá). 


Nghiên cứu cho biết chế độ ăn kiêng Gluten không tác động tới  hành vi của trẻ tự kỷ

Trisha Henry,



CNN Y tế 

Một nghiên cứu mới đây đã chứng minh rằng loại bỏ các protein trong lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen và sữa trong chế độ ăn không  cải thiện hành vi của trẻ tự kỷ.
Trong khi các bác sĩ không hề khuyên phải áp dụng các chế độ ăn uống đặc biệt trong điều trị tự kỷ, vẫn có thông tin do các gia đình phát tán trên internet ca ngợi tác dụng của việc loại bỏ thực phẩm có chứa gluten và casein ra khỏi chế độ ăn uống của trẻ mắc chứng tự kỷ. Tác giả nghiên cứu cho biết hiện nay gần một phần ba số trẻ tự kỷ được áp dụng chế độ ăn kiêng gluten và casein nhằm giảm bớt triệu chứng của bệnh về phát triển thần kinh này.
Nữ diễn viên, nhà hoạt động Jenny McCarthy là một trong những nguời tích cực nhất trong tuyên truyền việc triệu chứng tự kỷ của con trai mình được cải thiện khi cô thay đổi chế độ ăn uống cậu bé.
Hiện giờ người ta vẫn chưa biết rõ nguyên nhân cũng như cách điều trị chứng tự kỷ, một loại rối loạn phát triển thần kinh gây cản trở giao tiếp và tương tác xã hội. Trong khi chỉ có một số ít phương pháp điều trị dựa trên các bằng chứng khoa học nếu áp dụng sớm trong những đầu năm đầu đời của trẻ có thể cải thiện hành vi ở một số trẻ em, thì nhiều gia đình do gặp nhiều khó khăn trong chăm sóc con cái dẫn đến việc họ phải thử nhiều phương pháp điều trị chưa được nghiên cứu.
Tác giả nghiên cứu là Tiến sĩ Susan Hyman cho biết các nhà nghiên cứu tại Trung tâm y tế, Đại học Rochester ở New York đã nghiên cứu một cách nghiêm ngặt nhất chế độ ăn uống không có gluten và casein .
Nghiên cứu được thực hiện ở 14 trẻ tự kỷ trong độ tuổi từ 2 ½ và 5 ½ tuổi - nhưng không bị bệnh celiac hoặc dị ứng với sữa và lúa mì.
Đầu tiên họ loại bỏ gluten và casein trong chế độ ăn uống của các em. Sau bốn tuần, các em đã được chọn ngẫu nhiên vào các nhóm ăn những bữa ăn nhẹ được kiểm soát nghiêm ngặt có gluten hay casein, hoặc cả hai, hoặc giả dược. Sau đó các nhà nghiên cứu hỏi phụ huynh, giáo viên và trợ lý nghiên cứu về hành vi của đứa trẻ trước và sau khi đã ăn thức ăn đó.
"Trong những trường hợp được kiểm soát này, chúng tôi đã không tìm thấy ảnh hưởng nào của gluten và casein đến hành vi ở trẻ em mắc chứng tự kỷ  không bị bệnh đường ruột ", Hyman cho biết.
David Mandell chủ tịch của Ủy ban Chương trình IMFAR khuyên phụ huynh cần phải cân nhắc cái giá phải trả cũng như đánh giá lợi ích trước khi định áp dụng một chế độ điều trị mới cho con em của họ.
Hyman và Mandell nói rằng cần phải có các nghiên cứu khác xem xét ảnh hưởng của chế độ ăn uống với mỗi phân nhóm cụ thể của chứng tự kỷ.
Kết quả nghiên cứu này sẽ được công bố vào cuối tuần này tại Hội nghị quốc tế về Nghiên cứuTự kỷ tại Philadelphia.
Tự kỷ thường bắt đầu biểu hiện ở trẻ dưới 3 tuổi. Theo số liệu mới nhất của Trung tâm phòng chống kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, trung bình, cứ 110 trẻ em ở Mỹ thì 1 em có dấu hiệu nào đó của tự kỷ.
Trẻ em mắc chứng tự kỷ có thể có một hoặc nhiều rối loạn thần kinh phức tạp, dẫn đến suy giảm chức năng xã hội, giao tiếp khó khăn, và hành vi hạn chế và lặp đi lặp lại.


Thứ Tư, 19 tháng 5, 2010

Có hình, nhưng mình không bình!


"...với chiếc quần bò lửng kết hợp cùng áo vest đã ... giành vị trí quán quân Sao xấu "
Nguồn ảnh và lời bình: 2sao.



Nguồn ảnh: TQ fb.

Đừng nhạt màu son

Chưa kể đến hậu quả của vết son trên má người tình, phấn son nhợt nhạt không chỉ ảnh hưởng sắc đẹp, có thể còn liên quan đến sức khỏe của bản thân. Nghe nói, một đời người nuốt mấy cân  son, mà son thì chưa chắc bổ béo gì, có nhiều nguyên liệu trong son được coi là độc.

Để son không trôi, có một mẹo nhỏ, nhiều người biết, nhưng không phải ai cũng nhớ: Khi môi đang có son thì đừng ăn thức ăn có dầu mỡ, kể từ sang trọng như pizza, pasta đến thứ quê mùa đậu phụ rán. Lý do: dầu mỡ làm chất cố định của son tan ra, và son sẽ trôi mất.

Entry nhảm đến đây là hết.

Bài viết có sử dụng Beauty tip từ NPR!

Thứ Hai, 17 tháng 5, 2010

Lý thuyết có xám màu?

Trong số lèo tèo hơn chục cái entry của tớ, ít nhất tớ đã từng nhắc đến bệnh tự kỷ 2 lần, nhưng muốn hiểu rõ bệnh này thì phải hỏi bạn L2C. Ở đây tớ chỉ kể lại những gì tớ đọc được, và vài nhận xét chủ quan của tớ  trong khi đợi bạn L2C gửi tài liệu của bạn ấy về Vitamin D và tự kỷ thôi. Khi đọc các bạn thoải mái bình luận và nhận xét, nhưng nhớ là tớ không phải chuyên gia về bệnh tự kỷ hay chuyên gia về vitamin D nhé. 


Hiện nay, khoa học vẫn chưa biết rõ được nguyên nhân, cơ chế gây nên bệnh tự kỷ. Nhiều giả thuyết về nguyên nhân của bệnh tự kỷ đã được đưa ra, đến nỗi một giáo sư người Anh đã nói: "Trong những năm gần đây, tất cả mọi thứ đều bị đổ cho là nguyên nhân của bệnh tự kỷ,  từ pin của iPod đến thủy ngân ở các nhà máy điện của Trung Quốc, từ siêu âm thai đến cắt rốn sau đẻ, từ chế độ ăn uống đến vắc xin"


Một chuyên gia chuyên nghiên cứu về Vitamin D là John Jacob Cannell, chủ tịch Ủy ban Vitamin D , đưa ra một giả thuyết về mối liên hệ giữa Vitamin D và bệnh tự kỷ. Xin nhắc lại, đây chỉ là giả thuyết. Giả thuyết này có thể tóm tắt như sau: "Bất kỳ lý thuyết nào về nguyên nhân của bệnh tự kỷ cũng phải xem xét vai trò quan trọng của di truyền, đồng thời phải giải thích được các đặc điểm dịch tễ học đặc thù của nó. Sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh tự kỷ trong vòng 20 năm qua cùng lúc với sự gia tăng lời khuyên của y tế nên tránh ánh nắng mặt trời, do đó có thể làm giảm mức vitamin D và về lý thuyết là sẽ làm giảm mạnh nồng độ vitamin D đã được kích hoạt (Calcitriol) trong quá trình phát triển não. Các số liệu từ nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng thiếu vitamin D trầm trọng trong thời gian mang thai làm rối loạn điều hòa các protein liên quan đến phát triển trí não và dẫn đến chuột con có kích thước bộ não tăng lên và não thất phì đại, là những dấu hiệu bất thường tương tự thường thấy ở trẻ em mắc chứng tự kỷ. Trẻ em mắc hội chứng Williams là những trẻ có thể có nồng độ Calcitriol cao ở giai đoạn mới sinh, thường có biểu hiện các triệu chứng ngược với triệu chứng của bệnh tự kỷ. Trẻ em bị còi xương do thiếu vitamin D có một số dấu hiệu tự kỷ, và các dấu hiệu này thường mất đi sau khi điều trị bằng  vitamin D liều cao. Estrogen và testosterone có những vai trò khác nhau trong cơ chế chuyển hóa của Calcitriol, sự khác biệt này có thể giải thích cho sự tỷ suất lớn giữa namvà nữ ở bệnh tự kỷ. Calcitriol điều hòa quá trình sản xuất các chất kháng viêm trong não, những chất này có liên quan tới bệnh tự kỷ. Ăn cá có nhiều vitamin D khi mang thai làm giảm các triệu chứng tự kỷ ở con cái. Tự kỷ phổ biến hơn ở các khu vực tia cực tím có bước sóng trung bình (UVB) bị cản trở hấp phụ như ở các vĩ độ gần 2 cực địa cầu, khu đô thị, các khu vực với ô nhiễm không khí cao, và các khu vực của lượng mưa cao. Tự kỷ phổ biến hơn ở những người có nước da sẫm màu, và tỷ lệ thiếu hụt vitamin D ở các bà mẹ mang thai có da sẫm mầu rất phổ biến. Kết luận: phân phối chuẩn Gaussian của men kích hoạt Calcitriol thần kinh kết hợp tỷ lệ thiếu hụt vitamin D trong thời gian mang thai và / hoặc ở giai đoạn sơ sinh có thể giải thích cả mặt di truyền học và dịch tễ học của bệnh tự kỷ. Nếu vậy, phần lớn bệnh tự kỷ là do hậu quả không mong muốn của việc y tế khuyên nên tránh ânh sáng mặt trời. Giả thuyết này có thể dễ dàng được kiểm chứng bằng nhiều loại nghiên cứu khác nhau". 


Ông Cannell đã gửi bài viết về giả thuyết này trong một bản tin hàng quý của ủy ban Vitamin D cho những nhà hoạt động vì bệnh tự kỷ, kêu gọi việc xét nghiệm và sử dụng Vitamin D, tắm nắng để phòng và chữa tự kỷ. Điều này có thể được xem như là sự vi phạm về quy chế xuất bản của các tạp chí có đánh giá từ các nhà khoa học khác (peer-reviewd journal) ở Mỹ. 


Sau đó, giả thuyết đã được đăng tải trên tạp chí Các giả thuyết trong y khoa (Medical Hypotheses) năm 2008. Đây là một tạp chí mà bài viết được đăng không phải trải qua sự đánh giá của các nhà khoa học khác, và là tạp chí có thứ hạng khá thấp. 


Tháng 3 năm 2009, ông Cannell đã trả tiền để đăng bài viết của ông về mối liên quan giữa Vitamin D và bệnh tự kỷ trên tạp chí Sản phụ khoa Mỹ (Am J Obstet Gynecol) trong mục quảng cáo, kêu gọi các bác sĩ sản khoa kiểm tra nồng độ Vitamin D ở phụ nữ mang thai, khuyến khích phụ nữ mang thai tắm nắng và dùng vitamin D. Tạp chí này đã gặp phải sự phản đối dữ dội của các nhà khoa học đối với bài viết này, một trong những lý do quan trọng nhất là giả thuyết này chưa được chứng minh,  tạp chí phải xin lỗi độc giả và gỡ bỏ bài viết này trong mục quảng cáo trên các số tiếp theo. 


Trong các nghiên cứu tổng quan tài liệu về nguyên nhân cảu bệnh tự kỷ, bài báo của Cannell hầu như không được trích dẫn, có lẽ vì nó không phải là nghiên cứu dựa trên bằng chứng.


Riêng tớ, chả cần hiểu nhiều tớ cũng có thể nói rằng giả thuyết  của ông Cannell có những điểm yếu. Ví dụ ông Cannell bảo là từ ngày các bà mẹ được khuyên nên tránh ánh sáng mặt trời để tránh ung thư da, thì bệnh tự kỷ tăng lên. Tớ có thể phản biện lại ngay là cũng từ ngày đấy, người ta bắt đầu quan tâm và hiểu biết nhiều hơn về bệnh tự kỷ, nên có nhiều trẻ em được đưa đi khám và chẩn đoán hơn, nên hiển nhiên là số trẻ mắc bệnh tự kỷ được báo cáo tăng lên. 


Tuy nhiên, giả thuyết cũng đặt ra những câu hỏi cho các nhà khoa học và nhiều nghiên cứu đã hoặc đang được thực hiện để kiểm định giả thuyết này. Có 3 nghiên cứu mới nhất về Vitamin D và tự kỷ do các nhà khoa học Úc và Thụy điển thực hiện, được xuất bản trên The Journal of Steroid Biochemistry and Molecular Biology , và Acta Pædiatrica đầu năm 2010. Mặc dù các nghiên cứu cho thấy  tỷ lệ các bà mẹ thiếu Vitamin D ở người da màu cao, và nồng độ Vitamin D ở những bà mẹ có con tự kỷ có vẻ thấp hơn, nhưng không một nghiên cứu nào trong số này chứng minh được mối liên hệ giữa Vitamin D và bệnh tự kỷ. 


Tóm lại là vai trò của Vitamin D trong bệnh tự kỷ chưa được chứng minh. Có rất nhiều nghiên cứu về nguyên nhân, cách điều trị bệnh tự kỷ và vai trò của Vitamin D đang được tiếp tục. Hy vọng là các nhà khoa học sẽ sớm tìm được nguyên nhân và chữa trị bệnh tự kỷ. 


Để phòng các bệnh tật nói chung, phụ nữ khi mang thai và trẻ em nên được ăn uống đầy đủ, uống vitamin bổ xung theo chỉ định của bác sĩ, và tắm nắng hợp lý. Không nên uống vitamin liều cao hay tắm nắng quá nhiều, vì vitamin liều cao hay phơi nắng không phải là hoàn toàn vô hại. 


Một điều ngoài lề, nhưng không phải không đáng để tâm, đó là ông Cannell cho rằng Vitamin A sẽ làm giảm việc hấp thu Vitamin D. Điều này làm những người kinh doanh Vitamin A bực tức, họ đã  cáo buộc ông Cannell đang cố tình tìm mọi cách để bán các sản phẩm Vitamin D. 

Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2010

Phơi bao nhiêu nắng cho vừa?

Ở đời, biết bao nhiêu là vừa rất khó. Tớ không đủ khả năng bàn luận về những thứ lớn lao. Chỉ là giật cái đầu đề, hy vọng có nhiều người chú ý. Ai có cách đặt đầu đề câu khách hơn thì hướng dẫn thêm cho tớ. 

Cái tớ muốn nói trong entry này là cách phơi nắng để quang hợp Vitamin D thôi. 

Nhiều người biết trẻ em thiếu Vitamin D sẽ mắc bệnh còi xương (Chú ý: còi xương khác với suy dinh dưỡng). Một cách các mẹ các chị hay làm là ngoài cho trẻ uống Vitamin D thì mang con em mình ra phơi nắng. 

Ở người lớn, thiếu Vitamin D cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng như loãng xương và ung thư xương.  Sự thiếu hụt vitamin D ở người lớn còn làm gia tăng nguy cơ các bệnh ung thư, bệnh tim mạch, bệnh đa xơ cứng, viêm khớp dạng thấp, và đái tháo đường type 1. 

Cơ thể có thể hấp thụ từ thức ăn khác đủ lượng các Vitamin cần thiết khác như A, C, B1 nếu như bạn có một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Với Vitamin D thì khác, thức ăn chỉ cung cấp khoảng 10% Vitamin D, lượng còn lại là do cơ thể tự quang hợp dưới ánh sáng mặt trời. 

Bởi vậy, cách tốt nhất để tránh thiếu Vitamin D là phơi nắng. Nghe thấy thế, bạn đừng vội vàng chạy ào ra  trời nắng để nhận của trời cho!  Khi đi trên phố, lúc kẹt xe, đừng vội vàng bỏ khẩu trang, ngẩng mặt  hân hoan đón ánh mặt trời. Phơi nắng không phải là không có hại. Dễ thấy nhất là nhan sắc sẽ bị hủy hoại đáng kể, điều đó cũng không nguy hiểm bằng phơi nắng nhiều có thể dẫn đến ung thư huyết sắc tố ở da. Chưa kể, không có khẩu trang, bạn còn hít vào một lượng bụi và khói đáng kể nữa, ít nhất cũng làm bạn rát họng. 

Vậy làm cách nào? 
Bạn cứ tiếp tục duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý đầy đủ rau quả, thịt, cá, bơ, sữa và phơi nắng theo cách sau đây nếu lo lắng về Vitamin D: 

- Lúc nào: Từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều (sớm và muộn hơn không có tác dụng tổng hợp Vitamin D). 

- Bao lâu: 5 - 10 phút.

- Phơi cái gì: 2 cánh tay và 2 chân (chỉ cần 2 thôi, và từ đùi xuống nhé). Híc, chả phải lúc nào cũng phô cả 2 đùi ra nếu bạn không muốn gây tai nạn cho người khác trên phố nhỉ. Bạn chỉ cần phơi 2 cánh tay, 2 bàn tay và mặt cũng đủ. Da là một bộ máy tổng hợp Vitamin D phi thường, đừng lo là bạn chính chuyên và lịch sự thì bị thiếu Vitamin D nhé! 

- Bao nhiều lần: 2 - 3 lần một tuần là đủ bạn ạ. 

- Bạn định hỏi bạn bôi kem chống nắng, rồi nằm phơi luôn một thể có được không chứ gì? Nếu bạn muốn có làn da nâu (mà không phải hát bài hát 4 câu), hoặc vì các mục đích khác, thì bạn cứ làm thế tự nhiên. Còn nếu bạn muốn tổng hợp Vitamin D thì đừng bôi kem chống nắng, vì chỉ cần loại kem chống nắng nhẹ nhất cũng làm giảm khả năng tổng hợp Vitamin D đi 95% rồi. 

Tớ không phải giáo sư về xương và vitamin D, cũng chưa phải tiến sĩ để phân tích bài báo của giáo sư khác viết đúng hay sai chỗ nào. Tớ chỉ đọc trên mạng chỗ này về Vitamin D, chỗ kia về ánh sáng mặt trời, rồi tán nhảm lại ở đây thôi.  Hy vọng là bạn thấy có ích. Bạn có ý kiến gì bổ xung hay phản đối, cứ bình luận tự nhiên. 

Bạn thích cái entry ít, thì bấm vào cái chữ "Thích" ở bên dưới một phát, thích hơn nữa, thì rủ ai đó ăn cơm trưa hay cà phê vỉa hè chỗ nào đấy, tranh thủ mà phơi nắng, nhỉ? Theo hướng dẫn ở trên, tớ nghĩ ở xứ nhiệt đới như Việt Nam, vài phút buổi trưa đi ra ngoài thế là đủ Vitamin D rồi. 


Chú ý: tớ không bàn luận về nhóm máu D, vì nếu bạn quan tâm đến nhóm đó, thì việc cần làm là vào nhà nghỉ! 





NỮA