Thứ Ba, 23 tháng 2, 2010

Người làm vườn (2)

Đợt này hay đọc báo các nước trong khu vực hạ lưu sông Mê kông nên thấy cái tin này ở  Cambodia về việc các tổ chức Phi Chính Phủ và những người đang sử dụng ma túy ở Phnompenh phản đối rất mạnh mẽ việc một trung tâm cai nghiện áp dụng một loại thuốc cai nghiện từ Việt Nam mà không rõ thành phần và tác dụng! Thử tra trên mạng thì thấy thuốc (tạm gọi thế) bị phản đối ở Cambodia ấy lại đang được bán ở Việt Nam nhan nhản và giá thì cắt cổ.

Hôm nay lại đọc một bài báo  rất hay của một Tiến sĩ phúc đáp lại tuyên bố về "thần y" của Bộ trưởng Bộ Y tế. Tác giả bài báo phân tích rất khoa học, và kết luận rằng chưa có một "thần y" nào ở Việt Nam được kiểm chứng một cách khoa học.

Thực ra thì không chỉ có "thần y", mà kể cả các loại thuốc ở Việt Nam cũng rất ít hoặc chưa được kiểm định một cách khoa học, đặc biệt là các thuốc cai nghiện hay chữa ung thư. Ở đây phải nhấn mạnh từ khoa học vì có ông bác sĩ  bảo ở Việt Nam thì ai mà chả từng tiến hành thử nghiệm lâm sàng vài lần rồi : ai mà không từng ra hiệu thuốc tự mua thuốc uống, nếu không khỏi, thì lại mua thuốc khác, cái việc thử mua thuốc về tự uống ấy không là thử nghiệm lâm sàng là gì! Kiểm định có tính khoa học  có nghĩa là phải qua các bước thử an toàn trên động vật, rồi mới đến thử an toàn trên người, nếu an toàn trên người rồi thì mới thử tiếp xem có tác dụng chữa bệnh không. Tính an toàn phải luôn luôn được đặt lên hàng đầu.

Tiếc là bài báo như trên thì ít, mà các tờ báo có lượng độc giả lớn lại thỉnh thoảng đưa tin ở đâu đấy có một người nào đấy tận tụy nghiên cứu ra một loại thuốc  chữa một bệnh nan y nào đấy vô cùng hiệu quả, cho dù chả thấy đưa thông tin nào về thành phần (đúng ra là rất mù mờ kiểu như đi dọc đường gặp một người tốt, mách cho một nắm lá, rồi về nghiên cứu, bào chế ra loại thần dược này), cơ chế, tác dụng của thuốc. Phần hiệu quả thì phỏng vấn một vài người có mặt ở nhà thầy lang, và ai cũng nói thuốc này tốt lắm. Không phải người đọc ai cũng hiểu là những người không thấy thuốc ấy tốt thì họ đã không dùng và về rồi, hay nghiêm trọng hơn là họ đã bị ngộ độc, hoặc chả có tác dụng gì, bệnh vấn tiến triển và chết rồi!

Tất nhiên là nhiều khi có thử nghiệm khoa học, có đăng tạp chí hàng đầu thế giới, thì vẫn có sai sót chết người, và phải dừng sử dụng như  trường hợp Vioxx của Merck. Nhưng đấy là cá biệt, và nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về hậu quả của thuốc gây ra. 

Để tìm hiểu thêm về cái thuốc đang bị nhân dân nước bạn phản đối kia,  vào đọc trang Báo sức khỏe và đời sống -Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế Việt Nam , đập vào mắt là  khẩu hiệu nhấp nháy ngay trên đầu trang nhất :  "Singapore Medicine: Gửi chọn niềm tin". 

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2010

Người làm vườn

Hồi bé, ở cạnh nhà có một người hàng xóm, lớn tuổi, hiền lành nhưng không có vợ. Mọi người bảo anh bị biến chứng của bệnh quai bị, teo mất ấy rồi, chả có con được nữa, nên không lấy vợ. Có lẽ vì sợ cái bệnh kinh khủng đấy, nên mỗi lần có đợt tiêm chủng miễn phí, nhà nhà trong xóm đều mang con đi tiêm phòng đủ 6 bệnh.

Khi mình về thành phố, ở trọ cạnh một khu viện nghiên cứu lớn, chuyên sản xuất vắc xin. Hàng xóm toàn là những người làm trong cái viện đấy. Ai cũng có vẻ bác học và giàu có. Nhưng có điều lạ, những ngày mùa xuân như thế này, con cháu họ vẫn có đứa bị sởi hay quai bị. Lạ vì từ bé mình đã được người lớn bảo là tiêm vắc xin thì không bị những bệnh ấy. Sao những người làm vắc xin lại chả ai mang con cháu họ đi tiêm? Rồi cũng biết nguyên do là vì có một người hàng xóm, trước làm ở chỗ sản xuất vắc xin, giờ đã xin nghỉ hưu sớm, và việc hàng  ngày của cô là đèo một đứa cháu đi chữa bệnh. Nghe nói đứa cháu cô bị tự kỷ, mặt lúc nào cũng thờ ơ, kể cả sau nhiều năm chạy chữa đủ kiểu. Mà nguyên nhân của cái bệnh tự ký ấy thấy bảo là do tiêm vắc xin.

Mấy hôm nay đọc báo, thấy bảo vắc xin phòng sởi và quai bị không phải là nguyên nhân gây ra tự kỷ. Công trình nghiên cứu khoa học đã xuất bản 12 năm trước trên một tạp chí danh tiếng nhất thế giới mới bị rút lại. Tác giả công trình nghiên cứu bị buộc tội vi phạm đạo đức nghiên cứu và gây sai lệch kết quả. Điều này chắc sẽ giúp cho một sản phẩm vắc xin đang được bán rộng rãi trên toàn thế giới với giá cắt cổ tăng thêm doanh số vốn đã rất khổng lồ.

Mình nhớ năm năm trước, cũng một nhà nghiên cứu bị buộc tội vi phạm đạo đức nghiên cứu, một công trình đăng trên một tạp chí khoa học hàng đầu bị dỡ bỏ, và một loại thuốc giảm đau bán chạy số 1 thế giới và có giá bán lẻ cao nhất trên  thị trường lúc đó bị thu hồi trên toàn thế giới, kéo theo một loạt các vụ kiện cáo đòi bồi thường của bệnh nhân.

Cái thuốc bị thu hồi có tên là Vioxx, còn vắc xin vừa được minh oan tên là MMR. Cả 2 cái đấy đều là sản phẩm của MERCK!

Tháng trước một quan chức nào đấy ở châu Âu cũng vừa buộc tội một hãng dược phẩm là GSK tội loan tin có dịch cúm giả để bán vắc xin trên toàn thế giới kiếm lời khổng lồ. Cuộc chiến quanh vắc xin và các loại thuốc chắc là khốc liệt hvì xung quanh đấy là những mỗi lợi khổng lồ (cứ nhìn mấy người bán thuốc ở cổng viện gần nhà giàu chừng nào thì suy ra thôi). Nếu ai chưa hình dung ra là sự cạnh tranh đen tối và nguy hiểm như nào thì nên tìm bộ phim The constant gardener xem nhé. Phim hay, có giải Oscar, kể về hai vợ chồng nhân viên ngoại giao người Anh đã bỏ mạng vì phát hiện ra những bí mật đen tối của các hãng dược phẩm ở một đất nước xa xôi. Qua phim sẽ phần nào hiểu tại sao các hãng dược phẩm lại kéo nhau ùn ùn đến châu Phi hay các nước như Thái lan, Ấn độ và cả Việt Nam nữa để thử nghiệm (dưới dạng tiêm miễn phí, có khi cho thêm tiền) các loại vắc xin và thuốc mới. 

Nếu không cho con cái tiêm, nó teo mất ấy, rồi sống mà như không sống. Mang đi tiêm, không teo ấy, nhưng chả may vì tiêm lại sống thờ ơ với đời, thì  sống  cũng khác gì không sống? Dạo này báo chí còn hay đưa tin là ở Việt Nam, sau khi tiêm vắc xin, không sống tí nào luôn nữa cơ!

Câu trả lời tiêm hay không khó nhỉ, nhưng chắc là nếu ở Việt Nam, nghe thấy quảng cáo có một loại vắc xin nào mới, trước khi tiêm cũng nên thận trọng.

Thứ Tư, 3 tháng 2, 2010

Tập viết

Muốn tập viết mà khó quá.

Viết với mình luôn là một việc khó, việc khó nhất trong tất cả các việc khó! Ngay từ lúc đi học vỡ lòng, mình lúc nào cũng phải đánh vật với cái bút và lọ mực. Suốt những năm cấp 1, cấp 2,  quần áo, tay chân, sách vở của mình lúc nào cũng lem nhem, mà chữ thì vẫn xấu và to như gà bới. Đến bây giờ vẫn vậy, chữ xấu và to.

Đấy mới chỉ là cơ học thôi, còn viết cho ra văn mới là vật vã. Suốt cả thời phổ thông, chả có được bài văn nào ra hồn. Nhờ có Bố làm cho một bài về con lợn, mình mới được hưởng cái vinh dự đọc bài tập làm văn trước lớp. Cảnh sợ hãi khi cả trường thi vắng tanh vì tất cả đã về hết, mình vẫn đang vật lộn với con chữ năm thi chuyển cấp cấp 2, hay cái niềm vui vỡ òa khi được 5 điểm môn văn thi tốt nghiệp cấp 3 mình vẫn nhớ tới bây giờ.

Nhiều năm qua đi, qua phổ thông không còn phải tập làm văn nữa, rồi nghề nghiệp của mình không liên quan nhiều chuyện viết lách, thêm nữa chữ xấu là truyền thống của ngành, nên cũng không mấy bận tâm đến chuyện rèn chữ rèn người làm gì!

Thế mà bây giờ phải viết một thứ hoành tráng, viết cho người khác đọc, viết để in  sách! Cả năm rồi chả viết được. Thầy  khuyên nên viết blog. Em yêu cũng bảo viết cái gì đó. Mãi cũng chả muốn viết đâu, nhưng chả lẽ dậm chân mãi, đành làm blog này. Mà viết gì giờ?

NỮA