Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2010

Không tiêm nữa đâu!

Chuyện đội mũ bảo hiểm với tớ cũng đau đầu phết, vì nhà tớ chả ai chịu đội. Thấy tớ nói nhiều, lúc tớ ở nhà, nếu mọi người không đi bằng ô-tô thì sẽ lôi xe đạp ra đi để tránh đội mũ bảo hiểm. Mọi người bảo với tớ rằng đi xe đạp có ngã cũng không nặng như đi xe máy, nên không cần đội mũ bảo hiểm! Thôi thì lạy trời, chứ đi trên đường thì biết thế nào! Người lớn đi xe đạp càng phải đội mũ bảo hiểm, vì người trên 30 tuổi, xương bắt đầu loãng, não bắt đầu teo, nhưng thể tích cái hộp sọ không bé lại làm cho một cũ ngã nhẹ cũng gây sang chấn lớn. 

Vì thế, nhìn thấy quảng cáo mũ bảo hiểm rùm beng của một hãng mũ bảo hiểm ví mũ bảo hiểm với vắc xin làm tớ thấy bực mình. Ở đây không nói đến thông tin cho thấy ở nước ngoài các bậc cha mẹ rất do dự khi phải tiêm vắc xin cho con cái do chưa có nghiên cứu nào trong thời gian đủ dài để khẳng định là vắc xin không gây ra một nguy hại nào trong suốt đời người hoặc không ảnh hưởng tới các thế hệ con cháu sau này, dù tác dụng phòng các bệnh truyền nhiễm ngay trước mắt là không thể chối cãi, thì tớ thấy có nhiều lý do để có thể nói rằng không thể ví mũ bảo hiểm là vắc xin: 

1. Định nghĩa: Theo định nghĩa của vắc xin thì mũ bảo hiểm không thể là một vắc xin. Vắc xin (vaccine) có thể hiểu là những chất ngoại lai từ bên ngoài được đưa vào cơ thể để kích thích hệ miễn dịch cơ thể sinh ra các yếu tố kháng lại bệnh tật lâu dài. Mũ bảo hiểm chỉ được dùng bên ngoài. Nên gọi chính xác mũ bảo hiểm là một loại dụng cụ bảo vệ, tương tự như giày bảo vệ chân, găng tay bảo vệ tay! Hay cụ thể hơn, cho dù bao cao su có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh lây qua đường tình dục 95%, người ta cũng không thể gọi bao cao su là vắc xin, mà vẫn đang miệt mài ngày đêm nghiên cứu tìm vắc xin thực sự! 

2. Cách dùng: Về cách dùng càng không thể gọi mũ bảo hiểm là vắc xin. Vắc xin được coi là phương thức phòng bệnh được ưa chuộng vì dễ sử dụng, hiệu quả dài lâu. Tùy vào từng loại vắc xin cụ thể, thông thường một liều vắc xin gồm 1 – 3 lần tiêm hoặc uống, và sau khoảng 5 – 10 năm mới phải tiêm hay uống lại một lần nữa. Không có loại vắc xin nào phải tiêm hàng ngày, hay tiêm một ngày nhiều lần. Trong khi đó, mũ bảo hiểm cần phải được đội trong bất cứ tình huống nào người sử dụng ngồi trên xe đạy hay xe máy. Ngay đứa trẻ con cũng biết tiêm vắc xin là đau, bố mẹ không thể sáng sáng bảo với con là “con tự tiêm liều vắc xin phòng chống thương tích đi” hoặc “ra đấy để bố tiêm vắc xin cho con”. 

3. Tác dụng: Mũ bảo hiểm không có tính bảo vệ thương vong như vắc xin bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật. Vắc xin bảo vệ cơ thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh đến 90% hoặc hơn ngay cả khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Không thể phủ nhận mũ bảo hiểm có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ tử vong, và chấn thương sọ não ở người đi xe máy. Nguy cơ tử vong ở người đội mũ bảo hiểm giảm khoảng 40% so nguy cơ tử vong với người không đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, thương tích do đi xe máy còn phụ thuộc đến nhiều vấn đề khác như tốc độ đi xe máy, lái xe cẩn thận hay không, có uống rượu và chất kích thích khi điều khiển xe không, chất lượng của đường xá như thế nào, việc thực thi luật giao thông ra sao. Có những nghiên cứu cho thấy do tin tưởng vào có mũ bảo hiểm làm cho nhiều lái xe bất cẩn hơn, và do đó, mũ bảo hiểm không làm giảm tỷ lệ thương vong. 

4. Hình ảnh quảng cáo: Hình ảnh nhiều mũ bảo hiểm trong một ống tiêm trái ngược với khuyến cáo hiện nay là phải dùng bơm kim tiêm sử dụng một lần. Trong một thời điểm nhất định, một người chỉ đội một mũ bảo hiểm. Nhiều mũ bảo hiểm trong một bơm tiêm có thể ám chỉ việc có thể dùng một bơm kim tiêm cho nhiều người. Chưa kể, hình ảnh chiếc kim tiêm to và sáng loáng sẽ gợi cảm giác đau đớn cho bất cứ ai khi nhìn thấy. 

5. Khẩu hiệu quảng cáo: “Một mũ bảo hiểm. Một cuộc sống” là câu khẩu hiệu khó hiểu. Mũ bảo hiểm có thể giúp làm giảm nguy cơ thương vong, nhưng không có nghĩa là một mũ bảo hiểm tương ứng với một cuộc đời. Câu khẩu hiệu đó chỉ đúng trong trường hợp chiếc mũ bảo hiểm vỡ và người đội mũ chết! Thực tế, một đời người cần phải có nhiều mũ bảo hiểm. Sau mỗi lần va chạm mạnh, nếu vẫn còn sống, cần phải thay mũ bảo hiểm. Lý do là khi va chạm, chất liệu của mũ bảo hiểm bị nén lại, và làm giảm khả năng bảo vệ trong những lần va đập tiếp theo, dù bằng mắt thường không nhìn thấy bề ngoài của mũ biến dạng. Chất liệu làm mũ cũng bị biến hóa theo thời gian. Nếu không hỏng hóc gì, sau 5-7 năm cũng nên thay mũ bảo hiểm mới. 

Tóm lại, tớ nghĩ việc ví mũ bảo hiểm là một loại vắc xin là biểu hiện của sự thiếu hiểu biết và phản khoa học hoặc cố ý đánh lừa người tiêu dùng, và làm tớ từ giờ lại mất thêm công để thuyết phục bọn trẻ con là mũ bảo hiểm không phải là vắc xin, đội mũ bảo hiểm không đau và không gây sốt đâu! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỮA