Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2010

Khám bệnh trên mạng

Ở Việt Nam, đa số mọi người mới chỉ biết xét nghiệm gen là để tìm bố cho con. Thỉnh thoảng vẫn thấy một trung tâm nào đấy lên báo PR bằng cách kể lể những câu chuyện về việc họ xét nghiệm mấy trường hợp lẫn chồng, nhầm con, rất éo le, chả biết thật giả thế nào. Tuyệt nhiên không thấy nói kết quả xét nghiệm của họ có được kiểm chứng ở một phòng xét nghiệm nào khác hay không. Bởi vậy, có trường hợp làm nhiều lần, nhiều nơi, các phòng xét nghiệm gen của bộ đội, công an, dân sự đủ cả, kiện cáo suốt 10 năm, mà chưa biết được đấy là ông hay bố. Không biết những người được xác định đúng là bố con thật thì bao nhiêu phần trăm là bố thật? Hoặc trong những người xác định là tò vò đang nuôi con nhện thì bao nhiêu người bị mất đi đứa con (và hơn thế nữa) của chính mình?

Ở Mỹ, xét nghiệm gen được dùng để dự đoán nguy cơ bệnh tật đã trở nên phổ biến từ nhiều năm nay. Ai đó muốn xét nghiệm xem đúng con mình có phải là con của hàng xóm không, hay đứa con mình đang nuôi có lấy phải đứa con mình đẻ ở Việt Nam không, hoặc mình có nguy cơ bị bệnh không, chỉ cần lên mạng đặt mua một túi thu thập bệnh phẩm. Mua về, nhổ nước bọt hay vặt tóc bỏ vào cái hộp, đậy lại, gửi theo địa chỉ phòng xét nghiệm có sẵn trên túi, rồi đợi kết quả.

Mấy ngày hôm nay, việc xét nghiệm gen lại làm  dư luận xôn xao vì một hệ thống của hàng bán lẻ ở Mỹ dự định bán bộ thu thập nước bọt để xét nghiệm gen ở cửa hàng tạp hóa vốn bán đủ thứ bánh kẹo, bưu thiếp, giấy vệ sinh. Mục đích của những xét nghiệm gen này là xem nguy cơ mắc một số bệnh phổ biến như Alzheimer, ung thư, béo phì như thế nào. Nhiều chuyên gia phản đối việc bán bộ thu thập nước bọt này, vì theo họ việc xét nghiệm gen để biết có nguy cơ bị bệnh hay không có thể là không chính xác. Nếu một người có một gen nhất định nào đó thì họ có thể có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người không có gen đó, nhưng chưa chắc là sẽ mắc bệnh. Các nghiên cứu về gen ở Mỹ mới chủ yếu nghiên cứu trên người da trắng, nên các kết quả nghiên cứu gen khi áp dụng cho các chủng tộc người khác có thể không chính xác, ví dụ gen đó trên người da trắng có thể gây bệnh, nhưng nếu người da vàng, hay người lai vàng với đen có gen đó chưa chắc đã bị bệnh. Vì những lý do như thế, các nhà khoa học lập luận rằng các kết quả xét nghiệm gen chưa chắc đã dự báo nguy cơ bệnh tật tốt hơn các phương pháp thông thường khác như dựa vào tiền sử bệnh tật những người trong gia đình, chế độ ăn, chế độ tập thể dục, lứa tuổi ..... Kết quả là hệ thống cửa hàng phải dừng bán bộ thu thập nước bọt.

Nói tóm lại là trong điều kiện chưa có xét nghiệm gen, hoặc xét nghiệm gen còn chưa đủ tin cậy, thì ai quan tâm đến nguy cơ bệnh tật, có thể tham khảo bộ công cụ đánh giá nguy cơ bệnh tật của trường Harvard, bao gồm các đánh giá nguy cơ mắc 12 bệnh ung thư (chỉ có 10 ung thư, nếu bạn là nam giới nhé), tim mạch , đái đường, loãng xương, và đột quỵ. Bộ công cụ này có thể cũng không chính xác, vì nó không được xây dựng dựa trên các thông số của người Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất và có ích nhất là sau khi đánh giá nguy cơ bệnh tật, bộ công cụ sẽ đưa ra các lời khuyên giúp bạn phòng bệnh dựa vào các thông số cá nhân của bạn, và đấy cũng là lý do mà mình viết cái entry loằng ngoằng này.

2 nhận xét:

  1. Thời hạn có kết quả là bao lâu (sau khi nhổ nước bọt :-)) vậy ạ?

    Trả lờiXóa
  2. Chưa có ai đến gọi mình bằng bố, nên mình chưa phải nhổ nước bọt vào hộp lần nào, thành ra chả biết là bao lâu thì có kết quả bạn ạ!

    Trả lờiXóa

NỮA